Bảo hiểm dành cho người giúp việc gia đình

Theo Nghị định vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 25/5, người giúp việc nếu ở cùng chủ nhà phải được nghỉ ít nhất 8 giờ mỗi ngày, và nếu làm cả năm thì được nghỉ 12 ngày có lương, mỗi tháng được nghỉ ít nhất 4 ngày… Tiền lương cho người giúp việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Ngoài ra, gia chủ phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế theo quy định. Nếu làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ lễ, Tết thì gia chủ cũng phải trả tiền thêm…

Tuy nhiên, theo nhiều người dân đang thuê người giúp việc, thực ra, mức ưu đãi của gia đình họ dành cho người giúp việc còn cao hơn các quy định này rất nhiều.

Chị Ngọc Nghĩa (quận 3, TP HCM) cho biết, từ lâu chị đã phải trả bác giúp việc mức lương 3,5 triệu một tháng, cao hơn với mức lương tối thiểu của khu vực TP HCM là 2,7 triệu đồng/tháng. Bác ăn ở cùng gia đình chị và các khoản ăn uống hay điện nước, xà phòng… sinh hoạt hằng ngày không tính vào tiền công. Bác gần như không tiêu đến lương, thường nhờ chị giữ hộ, khi nào có việc cần hoặc đến Tết mới lấy cả mấy chục triệu. Chị Nghĩa nhẩm tính, nếu cộng chi ly các khoản, một tháng của bác không dưới 5 triệu đồng và gần bằng mức lương kế toán ở công ty của chị.

Để giữ chân người giúp việc, chị Nghĩa đồng ý cho bác nghỉ ngày chủ nhật, và không phàn nàn gì khi Tết bác nghỉ từ 22 tháng chạp đến rằm tháng giêng, đồng thời biếu thêm bác một tháng lương thứ 13 cộng thêm quà Tết và tiền tàu xe.

Công việc hằng ngày của người giúp việc nhà chị Nghĩa cũng không quá nặng nhọc và hầu như bác luôn được nghỉ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày. “22h đêm cả nhà đã đi ngủ. 5h30 sáng tôi dậy tập thể dục, đi chợ thì bác giúp việc cũng dậy chuẩn bị bữa sáng. Ở nhà, bác giúp việc có nhiệm vụ giặt, phơi quần áo, chăm cây cảnh, thu dọn căn hộ hơn 100 m2. Nếu không có việc phát sinh, bác được tự do chơi, ngủ và xem TV đến 16h chiều thì chuẩn bị cơm nước và đón cậu út từ trường mầm non về rồi tắm rửa, cho bé ăn”, chị Nghĩa kể.

Đôi khi, chị Nghĩa thấy số tiền bỏ ra thuê giúp việc khá lãng phí bởi ban ngày họ không phải làm nhiều, nhưng buổi tối một mình chị không thể xoay xở với hai con trai, vì anh xã không mó tay vào việc gì.

“Nếu bây giờ yêu cầu chủ nhà phải trả thêm một khoản tương đương phí đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người giúp việc thì tôi sẽ chia nhỏ khoản lương 3,5 triệu thành nhiều mục lương cơ bản, lương bảo hiểm, phụ cấp, bởi tôi thấy mức thu nhập của bác giúp việc là phù hợp với công sức họ bỏ ra. Còn nếu phải chi thêm nữa, chắc tôi sẽ cố gắng tự mình làm việc nhà, khỏi thuê”, chị Nghĩa nói.

Tham khảo: